Tâm Khoa Vũ là một nghệ sĩ được biết đến với cách tiếp cận sáng tạo trong việc xác định lại bản sắc người Việt và người Canada gốc Việt thông qua nghệ thuật. Các tác phẩm đa dạng của anh khám phá các chủ đề như hoạt động sản xuất, ký ức và bản sắc trong bối cảnh trải nghiệm hải ngoại giữa Việt Nam và Canada. Trong bài phỏng vấn này, chúng ta đi sâu vào hành trình nghệ thuật của Tâm Khoa Vũ và nguồn cảm hứng đằng sau những sáng tạo đầy suy ngẫm.

Tháng 8 sắp tới, Tâm Khoa Vũ sẽ giới thiệu triển lãm được mong đợi với De La Sol tại Thành phố Hồ Chí Minh, mang tên HYBRID CONDITION.

Trên website, anh chia sẻ rằng "mình đang kể những câu chuyện đồng cảm với tư cách là một phần của cộng đồng người Việt di cư". Câu chuyện đó là gì và cuộc sống như thế nào lúc anh lớn lên?

Tôi sinh ra ở thành phố Québec, Canada. Sau đó tôi cùng mẹ chuyển đến một vùng ngoại ô ở Toronto và dành thời gian học trung học ở đó. Sau thì tôi quen một người bạn gái, cô ấy chuyển đến Montreal và tôi cũng chuyển theo. Một tuần sau đó thì cả hai chia tay, thế là tôi đã ở Montreal từ 2008.

Tuổi thơ thì cũng khá êm đềm, tôi có mẹ là người nhập cư, ba tôi mất khi tôi một tuổi, vậy nên tôi lớn lên cùng với mẹ. Ở Québec có một cộng đồng người Việt nhập cư khá lớn, mỗi tuần họ đều quây quần lại nhậu với nhau, đánh bài xập xám, đánh tiến lên, xì zách. Tôi đã học được cách nhậu và chơi bài từ sớm hahaha... Lúc mà mẹ chuyển tôi đến Toronto thì tôi bị mất đi cộng đồng đó, nhưng văn hoá Việt Nam và cách mà người Việt sống như thế nào vẫn nằm bên trong tôi, như nấu ăn chung với nhau, kể mấy chuyện ngày xưa. Khi đến Toronto, mất đi điều đó và tôi cảm thấy mình hướng vào trong nhiều hơn. Tôi có nhiều hoạt động một mình như skateboard, đọc sách và vẽ tranh.

Lúc mà mẹ có tôi, chỉ mới 19 tuổi thôi. Một người mẹ đơn thân trẻ ở một đất nước xa lạ, không biết tiếng Anh hay tiếng Pháp, tôi lớn lên thấy mẹ phải làm việc rất nhiều, và tất nhiên bạn tự hỏi cuộc sống của mình sẽ thế nào nếu có cha và được gần gũi với mẹ nhiều hơn. Nhìn mấy bạn thấy họ có một gia đình hạnh phúc, thường xuyên ăn cơm cùng nhau, ở nhà mình thì lại không có cái đó. Nên đôi thi cũng cảm thấy một sự thiếu vắng. Mà tôi biết là ở Việt Nam mình có một gia đình rất lớn ở Tây Ninh, nhưng gia đình đối với tôi luôn là một khái niệm có phần trừu tượng, bởi chỉ được nghe kể. Nhưng nói chung lớn lên tôi tự khám phá mọi thứ, skateboard, đi chơi với bạn, crack photoshop, crack GTA 3. Yeah, cũng là một tuổi thơ khá là êm đềm.

Anh đã quyết định trở thành một người làm sáng tạo từ khi nào?

Nói thật lúc học đại học, tôi thi nhiều môn lắm. Lúc đầu là đăng ký học Tiếng Anh và Lịch Sử, sau một năm thì bỏ. Sau đó thì học tiếp ngành khác, rồi cũng bỏ nốt. Vì muốn kiếm tiền, tôi muốn học cách làm ra tiền, nên mình đã chuyển sang học kế toán và kinh doanh, vì nhớ hồi nhỏ mình khá giỏi môn toán. Sau đó, khi sắp ra trường, cũng nhận ra ngành này không phù hợp với tôi. Bạn biết đó, ngày nào tôi cũng đi trượt ván, đến lớp mồ hôi nhễ nhại, trong khi mọi người xung quanh thì ai cũng mặc suit. Nên tôi tự hỏi liệu đây có phải thứ mình thật sự muốn hay không? Rồi tôi bỏ học 3 năm và đi làm ở một tiệm in. Mỗi năm, sinh viên ngành thiết kế đến tiệm để in portfolios. Những sinh viên luôn có những ý tưởng rất điên rồ và phức tạp. Các bạn ấy thiết kế, nhưng cuối cùng tôi mới lại là người thực hiện chúng. Lúc đó tôi thậm chí còn chẳng biết design là gì, nhưng nhận ra mình có thể làm được và đại học cũng dạy về ngành này. Sau đó, tôi quay trở lại trường đại học để học thiết kế. Cuối cùng thì tôi cũng tốt nghiệp và làm việc ở Montreal với Justin tại một studio thiết kế tên là JJJJound. Ở đó, tôi gặp được rất nhiều bạn bè, cùng nhau trải qua nhiều khó khăn và trở nên thân thiết. Trong khoảng thời gian này, tôi cũng phát triển được bản sắc sáng tạo cá nhân, cách thực hành và tư duy sáng tạo. Bởi vì chúng tôi được tham gia vào rất nhiều dự án thú vị nhờ mối quan hệ của Justin với Kanye. Lúc đó tôi chỉ là một cậu bé Việt Nam đến từ một thành phố nhỏ, không biết bằng cách nào tôi lại xuất hiện ở Montreal, rồi bay đến LA làm việc. Mọi chuyện thật tuyệt vời.

Financial arts là một cụm từ xuất hiện trên website của anh, nó nghĩa là gì?

Đó là một cách một cách chơi chữ với từ “fine arts". Nhưng vô tình nó liên quan đến cách thực hành sáng tạo của tôi. Đối với tôi, “financial arts" là cách tôi áp dụng kinh nghiệm của mình trong tư duy sản xuất, kinh doanh, marketing vào trong hoạt động nghệ thuật của mình.

Tiền trong thế giới sáng tạo nó quan trọng thế nào?

Tôi nghĩ rằng, suốt tuổi thơ tôi không có tiền. Mối quan hệ của tôi với tiền hình thành từ việc thấy mẹ tôi đã phải làm việc rất vất vả. Nên khi tôi làm việc tại JJJJound, đó là lần đầu tiên tôi có một cái paycheck đủ để đến nhà hàng, nhìn vào menu gọi món và không phải quan tâm đến giá bên cạnh. Như là một hệ quả, tôi thấy tiền và nghệ thuật luôn song hành cùng nhau. Thậm chí ngày nay khi tôi có những buổi production meeting với De La Sol, tôi phải chú ý tới ngân sách, bởi vì chắc chắn là nghệ sĩ có thể làm bất kỳ gì họ muốn, nhưng có đủ tiền để hiện thực hoá tầm nhìn của họ không? Với tôi, tôi muốn biết rõ là cần bao nhiêu tiền, có bao nhiêu thời gian, và từ đó tôi có thể tính được, ok, dự án này có production budget 13k, tôi có 7k thì tôi có thể chạy marketing xung quanh dự án này. Hoặc là 13k thì không đủ làm một cái gì quá xuất sắc, tôi sẽ bớt ngân sách cho marketing lại. Tôi cũng tính toán lắm, lắm lúc cũng muốn tôi đơn thuần chỉ là một hoạ sĩ thôi, vẽ những gì trong đầu ra, bán hay không bán, không quan tâm. Nhưng mà sống trong thế giới tư bản mà, làm sao tôi có thể uống cái ly espresso hay chanh muối này mà không mất tiền.

Anh nghĩ mình là một nghệ sĩ hay là một creative?

Khi tôi nghe câu này, tôi cứ cho rằng hai từ này là một. Nhưng mà nếu nghĩ lại thì, người nghệ sĩ họ sẽ làm cho bản thân họ trước, còn một người creative họ sẽ có nhiều thứ để cân nhắc hơn là mong muốn của riêng họ. Đôi khi tôi làm art cho bản thân tôi, nhưng tôi cũng thấy tôi cũng sáng tạo với một cái động lực khác như phải lấy được tài trợ, hoặc mục đích marketing để “stay relevant” hoặc khách hàng họ muốn tôi phải làm những thứ như vậy.

Điều anh thích nhất khi làm nghề sáng tạo là gì?

Một trong những điều tôi thích nhất là những cuộc gặp gỡ. Tối thấy thích thú khi được biết mọi người như thế nào, cách họ nói chuyện và cách họ suy nghĩ về một vấn đề nào đó. Và tất nhiên cũng có nhiều lúc không thuận lợi khi mà bạn không đồng quan điểm với mọi người, cả hai không thể hiểu nhau.

Thông thường thì quy trình sáng tạo của anh diễn ra như thế nào?

Đầu tiên tôi có cái thứ này ở nhà, tròn và được mạ vàng, và trông như một cái ấm trà. Tôi xoa nó, nói làm ơn cho xin một cái ý tưởng hay đi! Hahaaha... tôi đùa thôi. Đầu tiên thì tôi cố tìm cách hiểu vấn đề, sau đó hiểu những điều kiện ràng buộc đến việc thực hiện dự án, vận dụng tư duy của bản thân và kinh nghiệm, và cố gắng kết nối chúng với người đưa ra yêu cầu. Yeah, nó thường bắt đầu với cuộc trao đổi "bạn cần gì?". Tôi nghĩ là tôi có thể giao tiếp với mọi người một cách dễ dàng, khiến mọi người cảm thấy thoải mái và tìm ra những điểm chung để kết nối. Nhưng mà nói chung là làm moodboard, đi tìm reference, suy nghĩ về tuổi thơ của bạn, tuổi thơ của mọi người, suy nghĩ về giấc mơ bạn đã có, suy nghĩ về khát khao của bạn, rất nhiều sự tưởng tượng và rất nhiều suy nghĩ. Đôi khi tôi sẽ đi massage, hoặc chơi golf, đôi khi thì trượt ván, có thể cũng đi nhậu say mặc dù không lành mạnh lắm. Trong lúc đó mình sẽ tự nhiên có ý tưởng hoặc thông qua nhiều cuộc nói chuyện với người mình gặp. Tôi cho rằng có rất nhiều cách để tìm ra cảm hứng, mỗi vấn đề sẽ mở những cánh cửa mới, những người ở xung quanh thường sẽ ảnh hưởng đến cách mà tôi xử lý vấn đề. Giả sử chúng ta là bạn thân và ngồi cà phê là những gì mình làm mỗi sáng chủ nhật, một ngày tôi đến với một cái vấn đề "hey, tôi có khách hàng này đang muốn như thế này". Có thể bạn thấy ý tưởng của tôi tệ, và cho tôi một ý tưởng tốt hơn. Hoặc ngược lại.

Cảm nhận gì về những phong trào văn hoá đang diễn ra ở Việt Nam và giới trẻ tại đây?

Rất rất là thú vị, thật sự tôi vừa nổi da gà vì rất thú vị khi mà đang ở Sài Gòn. Bạn có thể cảm nhận thấy cái năng lượng này, khi ở đây tôi thấy mọi người làm việc với một cái năng lượng. V2X radio, Soulvenir, LTLT, The Lab, mọi người đều không ngừng tiến về phía trước. Và nó không còn là việc lặp lại những gì đã xảy ra ở phương Tây rồi, mọi thứ đều đậm chất địa phương. Một phần có thể do những người Việt Kiều đang quay trở về nữa, mang theo những ý tưởng mới, cộng hưởng cách suy nghĩ địa phương. Xét về văn hoá mà nói, tôi thấy rất rất năng động, rất tiềm năng. Cảm giác như bạn được phép làm mọi thứ. Yeah, rất tuyệt vời khi được ở ngay tại đây lúc này.

Anh có lời khuyên nào dành cho những người sáng tạo trẻ không?

Yeah, tôi nghĩ là sẽ làm phải việc rất nhiều, tập trung và cố gắng, hãy có đạo đức nghề nghiệp, luôn luôn phải "go extra mile". Phải luôn thật chăm chỉ. Nhiều thứ tôi có trong đời là kết quả của sự chăm chỉ làm việc mà không biết chắc được điều đó sẽ mang lại kết quả thế nào. Tôi không biết còn cách nào khác, đứng dậy, làm gì đó và kiên trì. Sẽ rất tốt nếu bạn có một mục tiêu ở trong đầu, nhưng nên nhớ rằng cuộc đời ẩn chứa rất nhiều bất ngờ. Và đừng quên tìm kiếm niềm vui!

Anh có thể hé lộ một chút về buổi triển lãm sắp tới của mình không?

Triển lãm tiếp theo, tôi có một cái group show ở Montreal diễn ra vào tháng 4. Còn dự án lớn tiếp theo của tôi sẽ hợp tác cùng với De La Sol vào mùa hè này, nó sẽ là mở rộng của triển lãm Hybrid Condition. Chắc chắn sẽ rất vui, có vài thứ liên quan đến golf, trượt ván, art,... Và tất nhiên, đây sẽ là triển lãm mà tôi sẽ rất tự hào về. Còn điều mà tôi muốn nói thông qua triển lãm này, "Bạn có thể là chính mình và cảm thấy thoải mái vì điều đó, bởi vì bạn có giá trị và quan điểm của bạn có ý nghĩa, và hãy tự hào về bản thân.”

-

Photos by LAMDAM

Explore More