Debut từ năm 2020 với bộ đôi Thiên Đình - Địa Phủ hay [Jimmi Ngủyên - Michael Hư Đốn (Nguyễn Khờ)], Trung Tâm Băng Đĩa Lậu Hải Ngoại đã là cái tên quen thuộc với các tín đồ âm nhạc bởi gu nhạc Tây lời Việt đặc trưng, cùng nội dung gợi hình, gợi cảm - dễ liên hệ. Song, những người đã và đang yêu cái tên Trung Tâm (trong đó có tôi) chắc chắn muốn biết nhiều hơn về collective này, không chỉ về những sản phẩm mà còn là họ thành lập như thế nào, đưa ý tưởng thành lời nhạc ra sao, etc.

Xin chào, V2X thấy rằng nghệ danh của các bạn rất dễ khơi gợi sự tò mò của những thính giả mới. Không biết các thành viên chọn những cái tên này vì mục đích gì?

Nguyễn Khờ : Ban đầu, khi mình và Jimmi thu xong bản cover Chờ Đợi Quá Khứ của Lương Bằng Quang, không biết đặt tên gì. Lúc đó, mình vô tình nghĩ tới concept hát lại các ca khúc xưa trên phần intrusmental R&B đương đại và có nhắc đến Thiên Trường Địa Hải - từ đó cả hai quyết định chọn cái tên Thiên Đình - Địa Phủ để bắt đầu channel của Trung Tâm Băng Đĩa Lậu Hải Ngoại.

Về sau khi thực hiện bài Lếu Lều, mình và Jimmi quyết định đặt tên khác cho phù hợp với concept của bài nhạc - với hình tượng hai Việt Kiều sinh sống ở nước ngoài. Mình thấy đa số người Việt tại Hải Ngoại thường đặt tên con mình là Jimmi, Michael. Cho nên mình và Jimmi mới chọn nghệ danh đó. Jimmi vì muốn nhại theo tên ca sĩ Jimmi Nguyễn nên quyết định đặt là Jimmi Ngủ Yên. Về phần mình, do cái tên Michael đéo có tên nào nhại theo hay hết nên mình lấy đại là Michael Hư Đốn. Nói chung là nhảm.

Khi các thành viên khác gia nhập Trung Tâm, phần chính là vì thích thú với concept của Trung Tâm, phần chính hơn nữa là nhùng, sợ bị người ta biết mình rapper/ca sĩ chiên nghiệp mà chơi mấy nhạc này nên mới quyết định đặt tên khác. Tuy nhiên, vì vẫn mám dố nên đa phần bị lộ hết.

Jimmi: Nói con mẹ gì nữa. A Khờ nói hết rồi.

“Trung Tâm” còn gây ấn tượng bởi âm nhạc tuy Việt nhưng rất Tây. Được biết một số thành viên đã, đang sống và làm việc tại Hải Ngoại. Vậy điều gì đã khơi gợi, thúc đẩy các bạn mang những yếu tố ngôn ngữ, văn hóa Việt - Anh cho các sản phẩm của mình?

Nguyễn Khờ: Vì làm vậy thì sẽ không bị gò bó khi viết câu từ. Khi phát âm, đôi khi có những từ Anh-Việt vần với nhau, hoặc có thể phát âm chệch đi 1 chút để nghe giống nhau. Từ đó, nó cho mình ý tưởng về việc kết hợp ngôn ngữ Anh-Việt khi viết lời. Nhờ vậy mà đôi khi, mình nghĩ ra được những cặp vần hay mà không phải suy nghĩ nhiều.

Jimmi: Tôi hát nhạc tiếng Anh từ nhỏ nên cái mỏ tôi quen với cách phát âm tiếng Anh nhiều hơn. Bên cạnh đó, tôi còn bị ngọng vì không mở miệng to được nên khi hát tôi thích trộn nhiều loại ngôn ngữ, rồi đồng bộ những tần số của các ngôn ngữ ấy để đỡ vấp. Nói chung, các bạn nghe tôi hát sao, thì ra ngoài tôi nói chuyện nghe sẽ y chang như vậy.

Hãy chia sẻ một ít về quá trình sáng tạo đằng sau lời bài hát và cách kể chuyện của các bạn nhé? Các bạn đã kết hợp bối cảnh hip-hop, lối sống, ngôn ngữ giữa phương Tây và Việt Nam như thế nào để tạo nên nét độc đáo của riêng “Trung Tâm”?

Nguyễn Khờ : Theo mình, nét độc đáo của Trung Tâm không đến từ yếu tố âm nhạc, dù sử dụng nó để truyền tải. Mình và Jimmi chưa bao giờ xem Trung Tâm là một label âm nhạc hay một tổ chức nằm trong bối cảnh hiphop. Thế nhưng, có lẽ vì cả hai đều thích nghe nhạc R&B, Hip-hop, đồng thời sống ở nước ngoài - vậy nên âm nhạc mới mang màu sắc đó. Còn về quá trình sáng tạo thì nó cũng khá đơn giản.

Mình và Jimmi có sở thích đàm tíu về nhiều thứ trên mạng xã hội, thích nói chiện đâm thọc lúc chat với nhau. Tuy khá là hèn, nhưng nhờ vậy, cả hai  mới có nhiều ý tưởng để khai thác.

Đa số các ý tưởng của các bài nhạc đều xuất phát từ những lúc mình và Jimmi chat nhảm. Từ đó, cả hai sẽ tưởng tượng bối cảnh câu chuyện, diễn biến, các nhân vật nam, nữ sẽ như thế nào. Tất cả sẽ cho tụi mình chất liệu và bộ từ ngữ để sử dụng trong bài nhạc.

Khi ý tưởng đã thành hình, cả hai sẽ bắt đầu tìm beat và triển khai. Điều quan trọng là con beat và câu đầu tiên. Nếu không tìm được con beat ưng ý hay nghĩ ra được câu key đầu tiên thì coi như bỏ. Khi nào nói chuyện gì khác có gì hay thì kiếm beat khác làm.

Với cá nhân mình, khi thực hành sáng tạo, mình thường tưởng tượng một bộ phim. Nhưng, thay vì viết kịch bản thì mình sẽ viết một bài nhạc. Có thể là một câu chuyện hoàn chỉnh, hoặc chỉ là một phân cảnh nào đó. Tuy nhiên, không có bất kì cảm xúc cá nhân hoặc tình tiết nào liên quan đến cuộc sống cũng như cảm nhận của mình. Khi sáng tác ở Trung Tâm, mình không hề gán bản thân vào đó và những bài nhạc cũng không định danh cho con người thật của mình. Đa phần ý tưởng đến với mình nhờ việc quan sát những sự kiện cả trên mạng lẫn ngoài đời, đôi khi lại vô tình nghĩ ra lúc đang uống cà phê. Hoặc, chỉ đơn giản là mình nghĩ ra được một câu gì đó hay và muốn triển khai nó.

Nói tóm lại, nét độc đáo của Trung Tâm là “Vạn sự tùy duyên tổ tiên dẫn lối”!

Jimmi: Khác với anh Khờ, đa số câu chuyện, từ ngữ tự xuất hiện khi tôi scat-singing trên các nền nhạc ngẫu nhiên. Có thể lúc đó tôi đang rửa chén, chén bát va chạm vào nhau tạo ra những âm thanh lên xuống, và tôi bắt đầu lẩm bẩm một giai điệu theo những âm thanh đó. Theo thống kê cá nhân của tôi, thì sau khoảng 320 lần lặp lại giai điệu như vậy, mỗi âm tiết trong câu nhạc dần tự trở thành một từ có nghĩa và khi ghép lại sẽ có được một câu không bị tối nghĩa. Và từ một câu đó, tôi viết nốt phần còn lại của bài nhạc. Có thể nói, tôi không viết nhạc, mà nhạc là loại ký sinh ở trong đầu tôi, ăn bám chất dinh dưỡng, không ngừng nhân bản - tương tự như thuyết tiến hoá của Darwin vậy.

Theo Nguyễn Khờ và Jimmi, họ chưa bao giờ xem các sáng tác của Trung Tâm là hài bựa. Mỗi bài nhạc dù làm cho vui song vẫn chăm chút về ý tưởng và trình bày. Cái hài hước đó, có thể là do tính cách vốn dĩ của cả hai. Qua vài lần trò chuyện, tôi thấy cách Jimmi và Khờ tiếp cận đến các ý tưởng âm nhạc có thể xem là khá thuần khiết. Chỉ cần đó là một câu chuyện hay mà cả hai muốn được nhập vai, muốn sáng tác, trên một con beat hay và muốn hát. Như Khờ đã đề cập, đa phần nội dung hay concept của bài nhạc đều không phải tính toán trước mà là sự bộc phát ở một thời điểm nào đó. “Cho nên mỗi bài nhạc, thường mình và Jimmi chỉ sáng tác trong khoảng 1 tới 2 tiếng và hoàn thành thu âm trong khoảng 2,3 tiếng sau. Sáng làm tối up.” - Nguyễn Khờ

Bên cạnh đó, theo Nguyễn Khờ,  cả hai đã từng trao đổi về định danh lẫn màu sắc, vibe của Trung Tâm để rồi kết luận đó là “Khắm”! “Giống như mắm tôm vậy. Mới ngửi thì rất thúi nhưng ăn rồi thì rất nghiện”.

Jimmi: Âm nhạc của chúng tôi chưa bao giờ là hài bựa. Bựa là bản chất, không phải mục tiêu. Chúng tôi chỉ hát như cách chúng tôi thở khi đẩy ngực thôi!

Dù sở hữu gu âm nhạc hài hước song tôi nhận thấy “Trung Tâm” còn có sở trường lồng ghép những bình luận xã hội vào âm nhạc của mình. “Trung Tâm” có thể chia sẻ một (số) bài hát cụ thể mà các bạn cảm thấy minh họa rõ nhất cho sự cân bằng này và điều gì đã truyền cảm hứng cho nó không?

Nguyễn Khờ : Như đã nói, mình và Jimmi thích nói chuyện nhảm với nhau về mọi đề tài trong xã hội, cuộc sống, đặc biệt là những gì xảy trên mạng xã hội. Mình và Jimmi khá hợp nhau ở điểm này vì dường như hai người chỉ thích dành thời gian trên mạng lúc rảnh. Đôi khi từ những video hài, những gì mọi người hay share trên fb, tụi mình thường gửi cho nhau mấy cái đó và bắt đầu bình luận về nó. Có một vài ý tưởng xuất phát từ những clip đó. Chẳng hạn, bài Goodbye my lớp. Hoặc, có một số comment mắc cười trên Facebook cũng có thể khiến tụi mình thích thú với nó, từ đó lại nảy ra ý tưởng để làm nhạc. Chẳng hạn, có lần mình xem được một video một cô gái nào đó trên Tiktok nói một câu mà mình rất thích “Anh dùng môi cắt nụ cười.” Mình rất thích câu nói này, dù chưa có làm bài nhạc nào hết. Chỉ là ví dụ cho mọi người dễ hiểu vậy thôi - còn đa số là do tụi mình nghĩ ra.

Ví dụ:

Never Want:

“never want nhìn xem điều em giấu lại

đem chìm sâu vào những đêm hợp tan tìm nhau

rollercoaster,

niềm đau nào đâu dễ lau mờ”

“trong trò chơi tình ái

ai vì ai design”

“chỉ cần chút say,

rồi vút bay, khi đêm xuống

chỉ cần ấp ôm bên nhau thâu đêm

đừng khiến cho, mình phải tiếng to,

chỉ rầu thêm”

Bài này nói về mối quan hệ mà hai người tìm đến nhau chỉ vì những lý tưởng, ảo mộng cá nhân, về một tình yêu mà họ mong muốn được ở trong đó chứ không phải là một mối quan hệ tình cảm thật sự. Chàng trai chỉ muốn chìm đắm trong kịch tính để bản thân có thể cảm thấy được một cảm giác nào đó, còn cô gái lại đem lòng yêu thật sự, mong chờ một sự cam kết. Chàng trai vẫn yêu cô gái, tuy nhiên, đó không phải là cách yêu mà cô muốn được nhận. Nó giống như hai người, tưởng chừng sẽ cùng nhau vẽ nên một câu chuyện, cho đến khi mỗi người đã lộ ra được mong muốn thật sự của bản thân, thì mới vỡ lẽ rằng mối quan hệ này chỉ là được thiết kế ra cốt là để tìm được sự hòa hợp.

Nghiến:

Trong bài “Nghiến”, mình có câu

“bước chân xiêu vẹo

mang theo trái tim đầy thẹo

đi vào bar, đêm nay em muốn xấu xa.”

“tìm đâu hạnh phúc chốn tửu lầu

cảm giác quện nhau lúc thưở đầu

chốn thần tiên, bao nhiêu muộn phiền tan biến.”

Nội dung một cô gái, vì chán nản trong một mối quan hệ mà mọi thứ chẳng còn như những mộng ước, lý tưởng về một tình yêu thuở ban đầu mà cô ấy đã xây dựng trong tâm trí. Người con gái ấy có lúc muốn thoát khỏi thực tại, muốn làm một điều gì đó hoang dại, đánh mất mình một vài lần trong đời để khiến bản thân phân tâm đi những muộn phiền mà mối quan hệ đó gây ra.

Jimmi: Cảm hứng nội dung cho những bài nhạc của tôi đều đến từ những cảm xúc cá nhân trong cuộc sống. Có thể đó là khi tôi phải từ bỏ một thứ gì đó, ví dụ như, bỏ thuốc lá, hoặc là lúc ghen tị khi nhìn thấy ai đó có được thứ tôi muốn, hoặc cảm giác hứng khởi khi tìm ra một thú vui mới, tôi sẽ ghi nhớ những cảm xúc đó, phóng chiếu nó lên theo khuôn khổ của tình yêu đôi lứa, nhân cách hoá những đối tượng cảm xúc có thể là vô tri của tôi thành một người tình, bởi vì cách để truyền đạt cảm xúc hiệu quả nhất cho người nghe, là bằng những gì họ quen thuộc, dễ liên tưởng đến bản thân, mà tình cảm đôi lứa là mẫu số chung của nhiều người nhất. Bên cạnh đó, cũng có những lúc cảm hứng nó đơn giản là đến từ sự hứng tình trước phái đẹp.

Một số bài hát cụ thể để ví dụ cho bình luận xã hội tôi đã viết, có thể kể đến những bài sau:

Nghiến

Trong bài hát Nghiến có câu

Can't tell đây là yêu hay - hay là nứng

Nhưng - nhưng mà sướng

Đó là điều tôi nhận ra sau khi trải qua nhiều mối quan hệ nông cạn, và cả nhìn vào những mối quan hệ của những người xung quanh. Chúng ta đến với nhau, bằng sự hấp dẫn thể xác, chỉ đơn giản là vậy, ai ý thức được thì tốt, còn ai mà không phân biệt được đó là yêu hay là nứng, thì xác định sẽ bị cuốn vào vòng xoáy ám niệm vừa đau vừa sướng.

Imphetamin

Bài hát này, thoạt nghe, mọi người sẽ nghĩ, là một chủ đề ca thán về việc phái nữ đổi thay trong cuộc tình từ thưở thanh xuân, chạy theo tiếng gọi của mưu cầu xã hội. Nhưng không, điều quan trọng tôi muốn nhắn gửi là verse 2 của bài hát, khi mà người đàn ông đã có tất cả, tưởng rằng điều đó sẽ làm cố nhân nghĩ lại, hối hận, nhưng thật ra, cái người ấy cần, cuối cùng lại vẫn chỉ là người họ đã chọn đi theo năm ấy, chứ không phải anh ta. Không phải vì tiền, hay danh vọng. Chỉ là sai người sai thời điểm mà thôi. Đó cũng là một câu chuyện mà tôi đã trải qua, tuy không phải là người trong cuộc, nhưng cũng gần như là vậy, vì hai đứa đó đều gọi điện cho tôi để ca thán suốt mấy tháng giai đoạn tụi nó tan vỡ.

Phặp nhau Cuối năm

Đừng yêu người nổi tiếng. Người nổi tiếng rất dễ làm ta choáng ngợp. Người nổi tiếng là người tưởng như hoàn hảo, với những hình tượng mà họ trưng ra trước xã hội. Trong bài hát, người nổi tiếng mà người đàn ông “phặp”, là một người anh từng quen từ trước khi họ nổi tiếng, nên đối với anh, anh biết tại sao mình ko giữ lại người đó, vì quả thật con người họ không hợp nhau. Nhưng trước hào quang mà người ấy đạt được khi gặp lại, anh ta không khỏi băn khoăn liệu mình còn yêu người đó ko? Nhưng sau tất cả anh vẫn là anh, cổ vẫn là cổ, ai về nhà nấy, anh tự dặn với lòng mình rằng, đừng yêu người nổi tiếng, chỉ vì họ nổi tiếng. Đây cũng là 1 câu chuyện cá nhân mà tôi đã trải qua. Danh tính của người trong chuyện, xin phép giữ kín để bảo vệ sự riêng tư của cả hai.

Hợp tác là một khía cạnh quan trọng của hip-hop. Ngoài ra, các thành viên của “Trung Tâm” phần lớn là những nghệ sĩ đã có thâm niên hoạt động độc lập hoặc cùng một collective nổi bật khác, không biết lần hợp tác nào là đáng nhớ nhất và khi làm việc với những cá nhân đã có tên tuổi, màu sắc riêng như vậy có những khó khăn gì?

Nguyễn Khờ : Hợp tác là một khía cạnh quan trọng của hiphop, chỉ là không phải của Trung Tâm. Trung Tâm không chủ trương hợp tác. Đa phần mọi người đến với Trung Tâm, tham gia và hoạt động cùng Trung Tâm không phải đặt nặng ở vấn đề âm nhạc. Các thành viên hay nói với nhau rằng, tham gia vào Trung Tâm quan trọng là có thể nói chuyện trong cái chat group của Trung Tâm được hay không. Quan trọng là mọi người nói chuyện được với nhau. Còn âm nhạc thì hên xui, làm được thì được không được thì thui.

Về khó khăn khi hợp tác, không phải là vì Trung Tâm không muốn hợp tác. Mà vấn đề nằm ở chỗ, mình và Jimmi không phải nghệ sĩ chuyên nghiệp. Cả hai đơn thuần là muốn có một chỗ để làm nhạc vì niềm vui. Mọi vấn đề khác từ việc hợp tác đôi khi sẽ làm âm nhạc mất vui - mình không thể là chính mình được nữa. Đối với mình, việc hợp tác có lẽ sẽ mở ra được nhiều cánh cửa tiềm năng. Tuy nhiên, về giá trị lâu dài dường như là không có nếu như mình không còn là mình nữa. Nếu mọi thứ xảy đến một cách tự nhiên, những nghệ sĩ khác có cùng tần số giống mình và Jimmi thì tự nhiên tụi mình sẽ làm nhạc vs nhau mà không cần phải có chữ “hợp tác”.

Jimmi: Tôi đã từng hợp tác với các nghệ sĩ khác từ khá lâu dưới cái tên Taku/9, hiện nay họ đều có chỗ đứng trong giới Hiphop RnB, đó là điều tôi rất tự hào và luôn trân trọng. Tất nhiên là có khó khăn, chủ yếu ở chỗ, tôi cũng chỉ là một người chơi nhạc vì sở thích, còn cuộc sống có rất nhiều những mối bận tâm khác, nên cảm hứng đến với tôi - nó không định kỳ, không khuôn khổ. Vì thế có rất nhiều demo tôi nợ vì cảm xúc chợt đến chợt đi - không giữ lại được giữa dòng đời. Những sản phẩm hợp tác với các nghệ sĩ khác đã được ra mắt, có thể nói đó đều là những lần hiếm hoi thiên thời địa lợi nhân hoà, là trời đất dung hoa vạn vật sinh sôi.

Nhiều nghệ sĩ hip-hop hiện nay vẫn phải đối mặt với thách thức, trở ngại với sự nghiệp của họ. Một số thách thức lớn nhất mà “Trung Tâm” gặp phải trong sự nghiệp của mình là gì và các bạn đã vượt qua chúng như thế nào?

Nguyễn Khờ : Thách thức lớn nhất mà Trung Tâm gặp phải đó là mình và Jimmi dường như không hề coi đó là sự nghiệp. Trung Tâm với cả hai giống như văn nghệ xóm vậy. Có thể trên con đường trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp, mọi người sẽ cần phải đối mặt với những khó khăn và thách thức từ bên ngoài lẫn bên trong, từ những sự biến động dù nhỏ của thị trường, thị hiếu, nhưng đối với mình và Jimmi, chưa bao giờ tụi mình coi việc phát triển Trung Tâm là một thứ gắn liền với sự nghiệp của mỗi người.

Còn về thách thức khi sáng tạo, thì đôi khi tụi mình vẫn bị bí ý tưởng, hoặc có ý tưởng nhưng không có mood triển khai, hoặc đôi khi công việc cuộc sống riêng khiến cho cả hai bị tách rời khỏi bối cảnh âm nhạc. Mình và Jimmi không hoạt động như những nghệ sĩ chuyên nghiệp nằm trong network, trong một bối cảnh. Cho nên đôi khi sẽ cảm thấy xa rời với tổng thể, khiến tụi mình có những thời gian sẽ không làm gì dính líu tới âm nhạc. Nhưng mình và Jimmi đều có một đặc điểm chung là tự nhiên nếu mọi người bắt đầu chú ý đến tụi mình lại, hay được fan nâng bi, thì tụi mình sẽ có hứng trở lại.Chẳng hạn, nếu bài nhạc mình và Jimmi đều thấy thích được nhiều lượt nghe. Điều đó sẽ kích thích cả hai làm nhạc tiếp. Nhưng đôi khi cảm hứng đó chỉ đủ để viết vài câu status lúc rảnh rồi tắt máy đi ngủ. Ngày mai y chang.

Jimmi: Như anh Khờ đã nói, tôi chưa bao giờ (dám) xem đây là sự nghiệp, nên xin phép trả lời câu này theo khía cạnh, thách thức lớn nhất mà tôi gặp phải trong việc chơi nhạc, đó là danh tiếng đến một cách đột ngột từ Trung Tâm. Tôi đã bị cuốn vào những giá trị ảo, chạy theo sự tham lam muốn có nhiều hơn nữa, có lúc không còn trân trọng những ai đã từng theo dõi và ủng hộ tôi từ những ngày đầu, mà chỉ chăm chăm vào việc làm sao có nhiều fan hơn, làm sao thu hút nhiều người mới hơn nữa. Tôi đã quá nhập tâm vào nhân vật mà chính mình tạo ra, mà quên mất bản thân là ai. Lúc đó tôi đã cảm thấy chán ghét âm nhạc và buông bút một thời gian dài. Để nói là vượt qua được hay chưa, tôi cũng chưa dám chắc để khẳng định “tôi đã vượt qua”, nhưng ít nhất, khoảng thời gian tách rời âm nhạc đó để sống với cuộc sống thật của tôi, tôi cũng bắt đầu tìm lại được niềm vui đơn giản khi ghi lại những giai điệu ký sinh ở trong đầu tôi được rồi.

Âm nhạc của bạn đã thu hút được một lượng fan đa dạng, cả ở Việt Nam và quốc tế. Bạn nghĩ điều gì ở âm nhạc của bạn lại gây được tiếng vang với lượng khán giả rộng rãi như vậy?"

Nguyễn Khờ: Cá nhân mình nghĩ có nhiều yếu tố thiên thời địa lợi nhân hòa cho việc đó. Thời điểm Trung Tâm bắt đầu thành lập cũng là thời gian Covid mới bùng nổ. Mọi người phải cách ly ở nhà và giải trí bằng những nội dung trên mạng. Đó cũng là một điều may mắn vì khi đó Trung Tâm Băng Đĩa Lậu Hải Ngoại xuất hiện để trở thành một trong nhiều option giải trí của mọi người. Thêm nữa, mình và Jimmi không có quá nhiều rào cản, hay nỗi sợ khi thực hiện âm nhạc, nói rõ hơn là không quan tâm đến các vấn đề chính thống và sự đón nhận của khán giả. Cả hai cũng chưa từng nghĩ đến việc phát triển và tìm cách tiếp cận khán giả một cách có chủ đích từ đầu. Mọi thứ chỉ đơn giản, kênh Trung Tâm Băng Đĩa Lậu Hải Ngoại là nơi để mình lẫn Jimmi thể hiện các ý tưởng của tụi mình một cách tùy thích, ai nghe được thì nghe, còn không nghe được thì mình xóa comment. Suy nghĩ theo một cách chủ quan thì mình cảm thấy các nội dung, ý tưởng của Trung Tâm từ concept và hướng tiếp cận ý tưởng cũng không đi theo một đường lối nào nhất định. Chính vì không có rào cản về mặt nội dung, nên tụi mình có thể tiếp cận với bất kì nội dung nào từ bất kì hướng nào tùy thích. Điều đó khiến cho các sản phẩm của Trung Tâm có nét đặc trưng riêng. Nói chung có lúc thấy mình tệ cũng có lúc thấy mình đỉnh. Theo mình, Trung Tâm mang lại cảm giác của Internet  Culture nhiều hơn là một label âm nhạc. Mọi người tìm đến Trung Tâm, nhắc đến chúng mình như một loại văn hóa giải trí đương đại nhiều hơn là về các đề tài liên quan đến âm nhạc. Có lẽ đó cũng là một lí do khiến cho Trung Tâm Băng Đĩa Lậu Hải Ngoại đôi khi được phát tán rộng rãi như clip sex vậy.

Jimmi: Tôi nghĩ đơn giản thôi, nhạc của chúng tôi hay thiệt.

Dẫu hình ảnh của “Trung Tâm Băng Đĩa Lậu Hải Ngoại” trên các sản phẩm hay truyền thông đều mang tính giải trí, song chắc hẳn các bạn đã phải làm việc nghiêm túc khi sản xuất? Nếu có, làm thế nào để các bạn cân bằng sự hài hước với những khía cạnh nghiêm túc trong công việc, âm nhạc, thông điệp của nhóm?

Nguyễn Khờ: Mình nghĩ mình sẽ nói đến vấn đề thông điệp trước, tại vì thông điệp là cái mà Trung Tâm không có. Nếu có thông điệp gì đó thì mình nghĩ nó chỉ đơn giản là thích làm gì thì cứ làm, suy nghĩ sâu xa để làm chi. Hoặc, nếu ai cảm thấy Trung Tâm có thông điệp gì đó khác, thì có thể bạn đã tự tưởng tượng ra. Mặc dù nếu nó tốt cho bạn thì ok.

Còn trong việc sản xuất âm nhạc thì cũng giống như tất cả những người làm nhạc khác. Tụi mình cũng có trải nghiệm với việc từng tự hòa âm phối khí, tự thu âm, tự mix, hay về các kĩ năng triển khai ý tưởng và chọn lựa các instrumental phù hợp cho ý tưởng đó. Nói chung cũng không có gì đặc biệt để nói tới. Nhưng mình nghĩ mình và Jimmi đều muốn làm điều gì đó tiện nhất, lẹ nhất và đơn giản nhất. Bởi trình độ của mình và Jimmi về các kĩ thuật âm thanh không phải ở mức độ chuyên gia. Giống như thay vì phải tự hòa âm phối khí. Mình và Jimmi sẽ thích nghe beat trên mạng và viết liền lên trên đó thay vì phải ngồi tự phối. Tốn thời gian. Đôi khi phối xong bản beat cũng hết hứng viết rồi.

Jimmi: Như tôi đã nói ở trên, cả hai luôn nghiêm túc khi làm nhạc. Mọi câu từ, hình ảnh, status liên quan, chúng tôi đều làm một cách chủ đích, để tạo nên trải nghiệm hoàn chỉnh cho người tiêu thụ. Còn bản chất của Trung Tâm là giải trí. Có thể nói, chúng tôi rất nghiêm túc trong việc đem đến sự giải trí cho bản thân, nên không cần có sự cân bằng ở đây.

Trung Tâm từng sở hữu một kênh mang tên Việt Hấp Hối, Nguyễn Khờ và Jimmi có thể chia sẻ thêm về nó không?

Nguyễn Khờ : Việt Hấp Hối là nhái của Việt Hiphop. Thời gian đó mình với Jimmi quyết định đóng cửa Trung Tâm, mình cũng không nhớ rõ lí do là tại sao. Nhưng lúc đó Jimmi có ý tưởng cho bài nhạc Sorry Anh Không Quen, cả hai rất muốn tìm một chỗ để post nên mình lập đại kênh Youtube Việt Hấp Hối để post bài đó.

Cuối cùng, người hâm mộ có thể mong đợi điều gì từ 'Trung Tâm Băng Đĩa Lậu Hải Ngoại' trong tương lai? Các bạn có dự án hay mục tiêu sắp tới nào muốn chia sẻ với chúng tôi không?

Nguyễn Khờ : Mình nghĩ điều mà fan hâm mộ có thể mong đợi đó là đừng mong đợi gì hết. Càng nhiều hi vọng càng nhiều thất vọng. Cứ để mọi thứ xảy ra một cách tự nhiên.Thời buổi khó khăn tính xa quá là jack nguyễn.

Jimmi: Sắp tới tôi sẽ mở phòng gym ở TPHCM. Có thể mở nhạc Trung Tâm ở đó, có thể mở thêm nhạc của nhóm khác, tôi chưa biết.

Explore More