Mặc cho thời gian dài vắng bóng vì dịch bệnh và sự lên ngôi của các nền tảng stream nhạc trực tuyến, sự trở lại của các concert ca nhạc gần đây là minh chứng cho “món ăn tinh thần” không thể thiếu của người trẻ.

Ngược dòng thời gian về thời Hy Lạp cổ đại, những lễ hội âm nhạc đầu tiên được thành lập với mục đích liên quan đến tâm linh. Pythian Games, tiền thân của Thế vận hội Olympic, bao gồm các màn trình diễn múa, nghệ thuật và âm nhạc, được tổ chức để vinh danh thần Apollo – vị thần của âm nhạc.

Sau này, các lễ hội không dừng lại chỉ ở âm nhạc, mà bắt đầu tự định danh là “music & arts” (âm nhạc và nghệ thuật), tạo ra các hoạt động bên lề, các tiện ích kèm thêm như yoga, ẩm thực, nghệ thuật sắp đặt, giao lưu nghệ sĩ, diễn viên và các tiết mục đặc biệt riêng để làm nên sự khác biệt của lễ hội này so với lễ hội khác. Mặc dù phần lớn người tham dự với mục đích giải trí nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số lý do thú vị khác đấy!

Những sự kiện lớn không chỉ được hàng nghìn người tham dự chứng kiến mà còn thu hút rất nhiều khán giả theo dõi trực tuyến toàn thế giới. Vì vậy đây là cơ hội cho nghệ sĩ có thể thử nghiệm những dòng nhạc mới của họ, điển hình là màn trình diễn của Bob Dylan tại lễ hội Newport Folk năm 1965. Khoảnh khắc ca khúc Like A Rolling Stone vang lên đã tạo ra một cuộc cách mạng nhạc rock 'n' roll với âm nhạc truyền thống lúc bấy giờ.

Ngày nay, nghệ sĩ thế hệ mới như Playboi Carti, Lil Uzi Vert hay Travis Scott cũng thường mang những bài hát “unreleased” lên sân khấu của Rolling Loud để “nhá hàng” cho album sắp tới. Do đó mà khán giả luôn có tâm thế chờ đợi những điều bất ngờ khi tham gia lễ hội.

Năm 1967, lễ hội nhạc pop quốc tế Monterey được khai sinh tại California, đánh dấu lần đầu tiên tại Mỹ một lễ hội đem đến những trải nghiệm nhiều hơn cả âm nhạc. Đây chính là nơi tiên phong đặt ra khái niệm “you had to be there” (bạn phải có mặt ở đó), để nhấn mạnh bầu không khí lễ hội âm nhạc mà bạn phải tự trải nghiệm mới có thể được hình dung xác thực về nó. Sau này, chúng đã thành nguồn cảm hứng để Travis Scott đặt tên cho tour diễn “Wish you were here” của mình.

Vào năm 1969, lễ hội âm nhạc Woodstock được tổ chức tại New York và là một biểu tượng cho phong trào của văn hóa phản kháng những năm 60. Phần lớn những người tham gia là các bạn trẻ phản đối chiến tranh Việt Nam đã tham gia sự kiện này để lan tỏa thông điệp của sự hòa bình và tình yêu.

Thời điểm hiện tại cũng có rất nhiều lễ hội thể hiện được tiếng nói và cá tính của thế hệ trẻ cũng như nâng cao ý thức cộng đồng về nhiều vấn đề trong cuộc sống.

Khi các lễ hội âm nhạc trở thành sự kiện thường niên, đây sẽ là địa chỉ để khách du lịch lui tới định kỳ nếu lễ hội ở các thành phố đó thực sự có dấu ấn và có bản sắc. Vì vậy mỗi khi lễ hội được tổ chức sẽ mở ra cơ hội cho người trẻ khắp nơi có thể tìm hiểu những văn hóa mà họ trước giờ chưa được trải nghiệm.

Các lễ hội như Coachella, Ultra Music, Lollapalooza (Mỹ), Sensation (Hà Lan), Fuji Rock (Nhật), Glastonbury (Anh), Java Jazz (Indonesia)… hằng năm vẫn thu hút hàng vạn người tham dự, làm nên thương hiệu không chỉ của các thành phố, mà của cả quốc gia.

Càng ngày các lễ hội âm nhạc càng đề cao tính trải nghiệm và mở rộng ra bên ngoài âm nhạc. Đó còn là nơi thế hệ trẻ được thể hiện cá tính riêng và gửi gắm đi những thông điệp ý nghĩa về những vấn đề toàn cầu. Qua đó, từng bước một gắn kết và cổ vũ người trẻ tích cực tận hưởng những giây phút giải trí bên cạnh cuộc sống số hóa, cùng với nhịp sống vội vã ngày nay.

Bên cạnh đó, sắp tới đây tại Sài Gòn sẽ diễn một lễ hội âm nhạc hoành tráng với quy mô hàng chục nghìn người mang tên GENfest - Cổng âm nhạc đa giác quan với dàn line up khủng, bao gồm Lee Hyori, HyunA, Zico, Zion.T. đến từ Hàn Quốc đồng hành cùng các nghệ sĩ Việt Nam như: Grey D, HIEUTHUHAI, Mono, tlinh, Wren Evans, Low G, GDucky, Pháo, Gill và B Ray.

Dự kiến Lễ hội âm nhạc GENfest diễn ra ngày 4 và 5-11 tại The Global City (TP Thủ Đức, TP.HCM)

Explore More