Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ranh giới giữa trí tưởng tượng của bạn và thế giới thật không tồn tại? Với công nghệ thực tế tăng cường (Augmented Reality - AR), điều đó không chỉ khả thi mà đã trở thành sự thật.

Công nghệ thực tế tăng cường (AR) cho phép hiển thị hình ảnh và thông tin kỹ thuật số trong môi trường vật lý. Đây là phiên bản nâng cao của thế giới thực được tạo ra bằng cách sử dụng các yếu tố hình ảnh kỹ thuật số, âm thanh và cảm biến giác quan thông qua công nghệ. Ví dụ nổi bật nhất cho làn sóng này là chiếc kính Apple Vision Pro được giới thiệu gần đây đã tạo nên cơn sốt với nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Xét về tiềm năng, theo “Báo cáo nghiên cứu thị trường thực tế tăng cường (Augmented Reality)” của Market Research Future, quy mô thị trường AR được dự đoán sẽ phát triển vũ bão và sớm cán mốc 461.25 tỷ USD vào năm 2030 bởi khả năng ứng dụng rộng rãi trong đời sống và nhiều loại ngành nghề.

Các ứng dụng tiềm năng của thực tế ảo tăng cường được kỳ vọng sẽ biến đổi nhiều khía cạnh trong cuộc sống của loài người. Trong y tế, AR đã được tích hợp vào quá trình phẫu thuật để dựng lên những hình ảnh trực quan hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ trong quá trình phẫu thuật. Bên cạnh đó, các mô phỏng thực tế cũng được ứng dụng rộng rãi trong các chương trình đào tạo y khoa.

Trong ngành giải trí, AR mở ra những trải nghiệm sống động hoàn toàn mới cho game thủ và người xem phim, cho phép họ khám phá thế giới ảo và các nhân vật trong thế giới thực. AR cũng có thể được sử dụng để nâng cao sự kiện trực tiếp bằng cách cung cấp thêm thông tin hoặc hiệu ứng đặc biệt cho khán giả.

Tiềm năng của AR đối với ngành giải trí là rất lớn, bằng chứng là Music Video mới nhất của Gab3 đã được ghi hình bằng một chiếc Vision Pro.

Thực tế tăng cường, sự kết hợp của hình ảnh kĩ thuật số trên môi trường thực, có thể cải thiện trải nghiệm mua sắm bằng cách cho phép khách hàng xem trước sản phẩm sẽ trông thế nào khi ở nhà hoặc chính chúng ta khi mặc những bộ quần áo “ảo" khác nhau.

Điển hình là ứng dụng IKEA Place cho phép người dùng xem đồ nội thất IKEA trông như thế nào trong nhà của họ bằng cách sử dụng máy ảnh của điện thoại và đặt mô hình 3D của sản phẩm trong môi trường thực tế của họ.

Một yếu tố thúc đẩy việc áp dụng AR rộng rãi hơn là việc triển khai mạng di động 5G, được thiết kế để kết nối hầu hết mọi thứ – bao gồm vật thể, con người, thiết bị – và trình chiếu các không gian 3D phức tạp như Metaverse. Độ trễ thấp và băng thông cao của 5G có thể mở ra cánh cửa cho các ứng dụng thực tế hỗn hợp phức tạp.

Ngoài ra, điện thoại thông minh và máy tính bảng hiện đại đều có khả năng ứng dụng AR nhờ máy ảnh, cảm biến và phần mềm tích hợp. Nhờ đó mà công nghệ này đang đứng trước cơ hội phát triển bùng nổ hơn bao giờ hết.

Bên cạnh thực tế tăng cường (AR), chúng ta cũng thường hay nghe đến Thực tế ảo (VR). Vậy thì AR và VR khác nhau như thế nào?

Thực tế tăng cường (AR) nâng cao môi trường thế giới thực bằng cách phủ thông tin kỹ thuật số, cho phép người dùng tương tác với cả yếu tố thực và ảo. Còn thực tế ảo (VR) tạo ra một môi trường hoàn toàn nhập vai do máy tính tạo ra, cách ly người dùng khỏi thế giới thực. AR được trải nghiệm thông qua các thiết bị như điện thoại thông minh và kính AR, trong khi VR thường yêu cầu thiết bị chuyên dụng như VR headset.

Sự thật rằng sẽ rất khó để tưởng tượng một cách chính xác AR sẽ thay đổi cuộc sống như thế nào. Nó phụ thuộc rất nhiều vào cách cả cá nhân và ngành áp dụng công nghệ cũng như xu hướng thị trường. Tuy nhiên, ta có thể tin tưởng AR sẽ nâng cao cách chúng ta giao tiếp, học tập, mua sắm và giải trí, khiến trải nghiệm hàng ngày trở nên thú vị hơn, vậy tại sao chúng ta không thúc đẩy những giới hạn mới của công nghệ này?

Explore More