“Rất nhiều lời chửi thề. Khó nuốt. Thậm chí còn mâu thuẫn!” - đây là một trong số những bình luận trái chiều nhất về đạo diễn Trấn Thành và các tác phẩm của anh. Nhưng liệu điều đó có thật sự đúng hay chỉ là cảm nhận bộc phát đơn thuần?

Tầm nhìn nghệ thuật của Thành đi một hướng khác so với những gì chúng ta tưởng tượng để vươn tầm quốc tế như xây dựng thế giới mới hoặc những câu chuyện siêu anh hùng. Thay vào đó, cả ba bộ phim của anh đều kể về cuộc sống bình thường đơn điệu của những người dân thường sống qua ngày ở thành thị Việt Nam.

Vì sao sự đơn điệu này lại biến chúng trở thành những tác phẩm mang tính bước ngoặt ở Việt Nam, đi sâu vào trái tim khán giả đại chúng?

Hãy xem xét Trấn Thành và các tác phẩm của anh qua lăng kính auteurism (một lý thuyết cho rằng đạo diễn là người có vai trò lớn nhất trong một bộ phim)

Nhưng trước tiên, tất cả những ồn ào đang diễn ra ấy là gì?

Trấn Thành giữ vai trò sản xuất, đạo diễn và nhân vật chính trong phim ‘Bố Già’ (2021)

Ba bộ phim không có đối thủ về doanh thu phòng vé!

Kể từ năm 2021, ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam đã để lại dấu ấn rõ nét trong khu vực qua ba bộ phim điện ảnh do Trấn Thành đạo diễn và đồng sản xuất 'Bố Già' (2021), 'Nhà Bà Nữ' (2023) và 'Mai' (2024). Nối tiếp nhau ra mắt trong vòng bốn năm, cả ba bộ phim đều phá vỡ kỷ lục phòng vé một cách "long trời lở đất".

‘Nhà Bà Nữ’ (2023)

Tôi không ở đây để thuyết phục bạn: “Này, phải yêu thích những bộ phim của Trấn Thành, hãy nhìn vào doanh thu phòng vé!”. Bởi vì nghệ thuật chảy trong huyết quản của chúng ta theo những cách khác nhau. Tuy nhiên, chẳng thể nào phủ nhận rằng Trấn Thành đang trở thành một thế lực điện ảnh mới góp sức kết nối ngành công nghiệp non trẻ của Việt Nam với thế giới.

Tính đến ngày 26 tháng 3, ‘Mai’ đã thu về 917 nghìn USD khi ra mắt ở Bắc Mỹ, và con số đó vẫn chưa dừng lại.

Để có một cái nhìn rõ nét hơn, hãy nói về khái niệm auteur.

Lý thuyết tác giả (Auteur Theory)

Hãy thử đặt câu hỏi: bạn đã bao giờ mổ xẻ phong cách nghệ thuật của đạo diễn khi xem một bộ phim ở rạp và suy ngẫm những ảnh hưởng cá nhân mà đạo diễn này lồng ghép trong bộ phim hay chưa? Với tôi thì hầu hết thời gian là không, tôi sẽ khó chịu! “Invisible Style” này khiến cho khán giả tập trung vào câu chuyện, nhân vật và hình ảnh.

Tuy nhiên, trong nhiều bộ phim bạn sẽ nhận thấy có những chủ đề, mô-típ hình ảnh hoặc phong cách cứ lặp đi lặp lại dường như gắn liền với một bộ óc sáng tạo độc nhất. Hiện tượng này, như các học giả và người mê điện ảnh đề cập đến, là “lý thuyết tác giả”, khái niệm được đề cập lần đầu trong phong trào nghệ thuật French New Wave (cuối 1950s – 1960s).

Theo lý thuyết này, đạo diễn vượt qua vai trò đơn thuần là một thành viên trong đoàn phim: nó định vị đạo diễn là tác giả của một bộ phim, in dấu phong cách cá nhân, giá trị và tầm nhìn nghệ thuật của họ vào mọi khía cạnh của tác phẩm. Từ viết kịch bản đến quay phim, hay tuyển chọn diễn viên đến biên tập, những auteur đều tạo ra trải nghiệm điện ảnh mang tính cá nhân sâu sắc.

Một số Auteur nổi tiếng nhất của Hollywood

Nếu dùng TikTok, chắc hẳn bạn đã biết đến xu hướng làm video theo phong cách Wes Anderson: những cảnh quay tĩnh trên phông nền đầy màu sắc. Liệu có thể liên tưởng phong cách này với bất kỳ đạo diễn nào khác không? Gần như là không. Bởi Anderson nổi tiếng với phong cách kỳ dị cường điệu với các khối màu và các cảnh quay được bố cục tỉ mỉ, một nét thẩm mỹ đặc trưng giúp ông khác biệt với các đồng nghiệp trong ngành.

Trong điện ảnh ngày nay, chúng ta có những ví dụ sống như Christopher Nolan và Jordan Peele là những auteur đương đại đã truyền tải vào phim của mình bằng lối kể chuyện và bình phẩm phi tập trung về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa tư bản khiến khán giả "đứng ngồi không yên".

Trấn Thành có phải là một Auteur?

Vẫn còn quá sớm để khẳng định Trấn Thành có phải là một auteur hay không vì danh mục phim còn hạn chế. Tuy nhiên, từ những gì chúng ta đã chứng kiến qua ba bộ phim được đón nhận nồng nhiệt, đó cũng không phải là điều xa tầm với.

Hãy xem xét từng yếu tố:

Auteur thường làm việc với một đội ngũ được tuyển chọn trong nhiều dự án: Trấn Thành đã giao phó cho Tuấn Trần, Khả Như, Uyển Ân và làm việc với một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất tại Việt Nam, NSND Ngọc Giàu trong nhiều dự án. Và có thể bạn cũng đã từng nghe đến việc Thành từ chối thực hiện “Mai” với bất kỳ ai khác ngoài Giám đốc Hình ảnh - Diệp Thế Vinh. Có nhiều lý do cho quyết định này, nhưng câu trả lời ngắn gọn nhất rằng một số người sáng tạo họ hoà hợp được với nhau trong nghệ thuật mà không gặp nhiều khó khăn.

Hãy nghĩ đến Cillian Murphy, Christopher Nolan và hành trình 20 năm của họ.

Cillian Murphy & Christopher Nolan

Auteur có phong cách điện ảnh đặc biệt thách thức sự sao chép: Cả ba bộ phim đều diễn ra trong một “trung tâm” chung của tầng lớp lao động với những đoạn hội thoại giản dị, đời thường. Khả năng nắm bắt những khoảnh khắc trần tục nhưng sâu sắc của cuộc sống hàng ngày của Thành chính là nghệ thuật biến những điều bình thường trở nên phi thường.

Auteur để lại dấu ấn trên nhiều khía cạnh của quá trình làm phim: Trấn Thành cũng đảm nhận các vai trò như nhà văn, đạo diễn, diễn viên, cố vấn âm nhạc, v.v. Trong một cuộc phỏng vấn, Thành tiết lộ vai trò tích cực của mình trong việc tạo điểm nhấn cho nhạc phim gốc “Mai” - “Sau Lời Từ Khước” bởi Phan Mạnh Quỳnh, ca khúc đã thống trị các bảng xếp hạng ngay lập tức.

Tôi nhớ mình đã nghe bài hát này trước khi xem “Mai”, nhưng sau khi rời rạp, mỗi lựa chọn từ ngữ đều có ý nghĩa đến mức khiến tôi nổi gai ốc.

Đó là một số luận điểm nổi bật nhất trong việc xem xét các bộ phim của Trấn Thành theo lý thuyết tác giả.

Đạo diễn không miễn nhiễm với chỉ trích. Auteur đón nhận chúng thường xuyên hơn.

Trấn Thành hiện được mệnh danh là đạo diễn “nghìn tỷ” đầu tiên của Việt Nam.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi các báo cáo về doanh thu phòng vé mang đến những tranh cãi và các luồng ý kiến trái chiều, bởi luôn tồn tại những sự khác biệt trong cách đón nhận của công chúng đối một tác phẩm nghệ thuật. Điều này đặc biệt đúng với các auteur, những người "thống trị” mọi hoạt động làm phim nhưng không nhằm mục đích làm vừa lòng tất cả. Và với chủ đề lặp đi lặp lại trong ba bộ phim về những nhân vật đời thường, giản dị nhưng bất khuất, nhiều người sẽ thắc mắc: có gì đặc biệt đến vậy? Và kéo theo đó là hàng loạt chỉ trích.

Trong Thời kỳ hoàng kim của Hollywood những năm 1940-1950, Albert Hitchcock với tư cách là một auteur đã bị mắc kẹt trong những tình huống tương tự, mặc dù các tác phẩm của ông được giới phê bình đánh giá cao và đạt nhiều giải thưởng điện ảnh. Tuy nhiên, sự chê trách như gần như không thể tránh khỏi. Tại sao?

Theo phân tích của David Gerstner và Janet Staiger trong cuốn sách bàn về tác giả, lý thuyết auteurism “nâng cao vị trí của đạo diễn trong quá trình sản xuất và việc đánh giá các bộ phim sẽ dựa trên vị đạo diễn hơn là tác phẩm.” Rất khó để tách Trấn Thành ra khỏi các bộ phim của anh ấy, vì dấu ấn tác giả đã thể hiện sâu sắc trong các tác phẩm này. Vì vậy, sẽ không toàn diện khi không xét đến yếu tố tác giả khi đánh giá các bộ phim của Trấn Thành.

Tiềm năng khai thác thương mại khi Auteur trở thành thương hiệu của Trấn Thành

Một bộ phim nhận được sự hoan nghênh của giới phê bình vẫn chưa đủ để làm rung chuyển phòng vé. Từ góc độ nhà đầu tư, dù có chủ đích hay không, việc xây dựng thương hiệu Auteur cho chính mình của Trấn Thành là một nước đi thông minh và hoàn toàn khả thi để thu hút dòng tiền trong một thị trường tập trung như điện ảnh, đặc biệt khi được đặt cùng vị trí với các ông lớn làm phim châu Á khác như Thái Lan, Hàn Quốc và Hồng Kông.

Buổi công chiếu "Mai" vào ngày mùng 1 Tết Nguyên Đán 2024

Cách thức rõ ràng nhất là ra mắt phim đúng Mùng Một Tết trong ba năm liên tiếp, tạo nên một ngày phát hành thương hiệu trong tâm trí khán giả. Tết là thời điểm quan trọng nhất trong năm và chiến lược có chủ ý này tận dụng sự chú ý ngày càng cao của công chúng.

Nếu duy trì mô hình này, việc đi xem phim Trấn Thành ngày đầu năm mới sẽ trở thành thông lệ mới.

“Mai”

Và có lẽ, Trấn Thành với vai trò là một Auteur đang làm tốt việc tôn vinh nền văn hóa phong phú và góc nhìn giản dị về Việt Nam thay vì cố tô vẽ sự hào nhoáng - chính là điều mà ngành công nghiệp địa phương của chúng ta cần để thu hẹp khoảng cách giữa Việt Nam và thị trường quốc tế, thúc đẩy lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài nhằm củng cố cơ sở hạ tầng bền vững. Tại sao? Bởi vì họ đã nhìn thấy đủ mọi kiểu hào nhoáng rồi - tất nhiên, họ đang ở Hollywood!

Để đi đến khẳng định này, hãy xem xét công ty độc lập A24 với tư cách là một art house làm phim thoát khỏi các giả định thương mại của Hollywood, với sự tham gia của các đạo diễn như Celine Song hay Ari Aster, được định giá 2,5 tỷ USD. Hiện tại, A24 được Phố Wall xem như một đối thủ mới của Hollywood. Vì vậy, có cần thiết phải xây dựng một thế giới hoàn toàn mới để đưa Việt Nam lên bản đồ không? Tôi không nghĩ vậy.

A24’s “Past Lives” đạo diễn bởi Celine Song

‘Mai’ là tác phẩm hợp tác sản xuất giữa Trấn Thành Town và CJ ENM, một tập đoàn giải trí Hàn Quốc, đây chính khúc dạo đầu cho sự chuyển đổi quốc tế này.

Vậy thì sao?

Vậy đã có thể hợp lý hoá Trấn Thành với tư cách là một Auteur chưa?

Khoan đã.

Chúng ta còn không biết liệu Trấn Thành, chính anh ấy có đang tự định vị mình là một Auteur hay không?

Nhưng một điều chúng ta biết chắc chắn rằng ảnh hưởng của Trấn Thành và đoàn làm phim của anh ấy đối với ngành điện ảnh Việt Nam là không thể phủ nhận.

-

Bài viết nguyên mẫu được viết bằng tiếng Anh tại The Produced newsletter - Read in English

Explore More