Kể từ khi đại dịch Covid qua đi, những phương thức làm việc tại nhà và tham gia các buổi họp online trở nên phổ biến vì sự tiện lợi và linh hoạt của chúng. Tuy vậy, việc ngồi hàng giờ trước camera khiến nhiều người trẻ hình thành tâm lý mặc cảm ngoại hình khi hình ảnh bản thân trên màn hình không hề như những gì họ tưởng tượng.

Hiện tượng này còn được gọi là “Zoom Dysmorphia”. Chúng là gì? Và ảnh hưởng lên tâm lý của chúng ta như thế nào?

“Zoom Dysmorphia” thuộc một dạng rối loạn biến đổi cơ thể BDD (Body dysmorphic disorder), được gọi là rối loạn hình ảnh trên khuôn mặt. Những cá nhân mắc phải tình trạng này luôn cảm thấy bất an và cố gắng trông thật hoàn hảo trước mỗi cuộc gọi hình ảnh. Họ có xu hướng tìm kiếm khuyết điểm của mình trên màn hình và lo lắng rằng mọi người đều đang để mắt tới những chi tiết đó.

Để giảm bớt mặc cảm về nhan sắc, nạn nhân của “Zoom Dysmorphia” có thói quen “ẩn mình” sau những tấm filter đã được chỉnh sửa rất nịnh mắt. Kể cả khi chúng khiến gương mặt biến dạng và méo mó một cách hài hước thì họ vẫn yên tâm rằng khuyết điểm của mình đã được che giấu. Tuy nhiên, các giải pháp này chỉ mang tính tạm thời. Chúng ta vẫn nhận thức rất rõ và bị ám ảnh bởi những điểm chưa hoàn hảo trên khuôn mặt của bản thân.

Theo kết quả nghiên cứu của tiến sĩ Kourosh từ đại học Harvard, được đăng trên tạp chí International Journal of Women's Dermatology. Cứ 10 người tham gia khảo sát thì có 3 người dự định đầu tư cho các can thiệp thẩm mỹ và tạo hình (trong đó hình dáng chiếc mũi, màu da, nếp nhăn và mụn trứng cá là những ưu tiên hàng đầu của nhóm được khảo sát).
Thực tế có hai lý do chính khiến cho ảnh chụp trong camera khác với hình ảnh khi chúng ta soi gương:

Đầu tiên, hình ảnh phản chiếu trong gương vốn là hình ảnh 3D, cho bạn một góc nhìn toàn diện hơn. Thứ hai, để ảnh chụp được chính xác, camera phải có tiêu cự ít nhất là 50mm. Nếu không nhan sắc của bạn rất có thể sẽ bị thay đổi với phần mũi to hơn hoặc khuôn mặt khác lạ. Vì vậy hình ảnh của ta trong mắt người khác đẹp hơn nhiều chúng ta nghĩ đấy!

Có thể nói rằng “Zoom Dysmorphia” là một vấn đề tâm lý sâu xa và đòi hỏi biện pháp xử lý lâu dài. Đây là dịp để chúng ta học cách chấp nhận và yêu thương bản thân mình hơn. Hãy nhớ rằng bạn không phải là người duy nhất cảm nhận được những cảm xúc tiêu cực ấy. Bắt đầu lắng nghe và chia sẻ những khó chịu của cơ thể là chìa khóa giúp ta vượt qua sự mặc cảm này.

Explore More